Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Phát triển hài hoà thị trường bất động sản, ưu tiên nhà ở xã hội

    15/04/2018 - 03:22
    424
    0
    0

    Phát biểu tại “Lễ trao giải Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam năm 2018” tối 14/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp BĐS cần tiếp tục phát triển thị trường BĐS một cách hài hoà, trong đó dành ưu tiên đặc biệt đối với việc phát triển nhà ở xã hội, nhằm thực hiện quyền có chỗ ở của người dân đã được khẳng định trong Hiến pháp.

    Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ trao giải thưởng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Bất động sản liên quan trực tiếp tới việc tạo lập cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế và đời sống của người dân; liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gắn liền với việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai… Đối với mỗi hộ gia đình, bất động sản nhà ở cũng là tài sản lớn, gắn liền với các hoạt động kinh tế và đời sống.

    Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác quản lý, phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh, phù hợp với các quy luật của thị trường.

    Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý lành mạnh thị trường bất động sản như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng…

    Thời gian qua, công tác quản lý, phát triển thị trường bất động sản cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2017 đã tiếp tục tăng trưởng một cách ổn định, tích cực. Giá bất động sản tăng nhẹ so với năm 2016; thanh khoản thị trường ở mức cao, tồn kho giảm; cơ cấu hàng hoá bất động sản đã bước đầu được điều chỉnh hợp lý hơn, hướng tới nhu cầu thực của thị trường; vốn đầu tư vào BĐS tăng mạnh, đáng chú ý là các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

    Cùng với đó, các cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội đã thu được kết quả đặc biệt quan trọng. Hơn 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp đã được đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động.

    Sự phát triển của thị trường BĐS đã tạo ra những đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế; góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Đồng thời, thị trường BĐS cũng góp phần tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của các thị trường tài chính, chứng khoán, lao động, dịch vụ và nhiều ngành công nghiệp liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng…

    “Để có được những kết quả quan trọng nêu trên, tôi ghi nhận và đánh giá cao vai trò tích cực, chủ động vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát huy trách nhiệm xã hội, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, góp phần phát triển thị trường BĐS một cách lành mạnh”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

    Phó Thủ tướng trao giải thưởng cho các đơn vị, cá nhân đoạt giải hạng mục Nhà ở xã hội tốt nhất. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Đảm bảo quyền có chỗ ở của người dân

    Để thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực BĐS và thị trường BĐS. Sửa đổi, bổ sung các Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị… để có đủ hành lang pháp lý nhằm tạo mội trường thuận lợi cho đầu tư phát triển BĐS.

    “Phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, đất đai… để từ đó đưa ra lộ trình triển khai thực hiện đầu tư một cách khoa học, gắn với tái cấu trúc lĩnh vực bất động sản và thị trường bất động sản, khắc phục tình trạng phát triển bất động sản một cách tự phát, phong trào, không theo quy luật thị trường”, Phó Thủ tướng nói.

    Phó Thủ tướng cũng yêu cầu gắn việc tái cấu trúc lĩnh vực bất động sản và phát triển thị trường bất động sản với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp… nhằm hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có chỗ ở an toàn, chất lượng.

    Các đơn vị, cá nhân đoạt giải hạng mục Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    “Phải kiểm soát chất lượng các sản phẩm bất động sản, đặc biệt là các công trình nhà ở, nhà xưởng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… Chú trọng khâu quản lý vận hành khai thác hiệu quả, đồng bộ, an toàn; đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng chống cháy nổ, cứu hộ – cứu nạn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

    Đối với các doanh nghiệp BĐS, cần chủ động, tích cực tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư nhằm hướng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của người tiêu dùng.

    “Các doanh nghiệp cần tạo dựng uy tín, thương hiệu… Phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hiệp hội trong phản biện chính sách, cầu nối Nhà nước và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

    Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản. Điều tiết và quản lý tốt hoạt động tín dụng bất động sản, hướng đến người có thu nhập thấp nhằm tăng khả năng tiếp cận và giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Xây dựng và thực hiện tốt các công cụ tài chính, thuế nhằm điều tiết và quản lý lành mạnh thị trường BĐS.

    Cùng với đó, phải làm tốt công tác dự báo, thống kê, thông tin truyền thông liên quan tới bất động sản, để có kế hoạch đầu tư phù hợp, tránh dư thừa, phát triển nóng… dẫn tới nguy cơ bong bóng bất động sản

    “Nhân sự kiện này, tôi trân trọng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phụ trợ, có liên quan đến BĐS (vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin…) tiếp tục phát triển, góp phần tạo dựng thị trường BĐS lành mạnh, bền vững”, Phó Thủ tướng đề nghị.

    Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    * Lễ trao giải Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam năm 2018 do Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành xây dựng.

    Giải thưởng không chỉ có ý nghĩa tôn vinh các tổ chức, cá nhân hoặc dự án, công trình tiêu biểu có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, mà còn là sự khuyến khích, động viên và định hướng các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, năng lực cạnh tranh, xây dựng, phát triển thương hiệu theo các chuẩn mực quốc tế.

    Đối tượng tham dự Giải thưởng là tất cả tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản theo pháp luật Việt Nam (trừ tổ chức, cá nhân 100% vốn nước ngoài).

    Có 8 hạng mục giải thưởng gồm: Nhà đầu tư phát triển bất động sản uy tín nhất; Dự án khu đô thị tốt nhất; Dự án bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất; Tòa nhà văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại tốt nhất; Dự án khu nhà ở đáng sống nhất; Dự án công trình xanh tốt nhất; Sàn giao dịch bất động sản xuất sắc nhất và Dự án nhà ở xã hội tốt nhất.

    Thông qua một hệ thống tiêu chí xét giải khắt khe với quy trình từ thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế, bỏ phiếu kín, kiểm toán và “hiệp y” với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương… Hội đồng giám khảo sẽ lựa chọn ra các đơn vị/dự án tiêu biểu nhất để trao các giải thưởng cụ thể.

    Theo BĐT Chính phủ

    Bình luận