Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VÀ PHƯƠNG PHÁP LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI LĨNH VỰC HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ

    05/09/2019 - 03:20
    515
    0
    0

    1. Mục tiêu và sự cần thiết của đề tài
    1.1. Mục tiêu của đề tài
    – Nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm các nước về lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
    – Đánh giá thực trạng hiện nay của Việt Nam về lựa chọn nhà đầu tư lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
    – Đề xuất hoàn thiện tiêu chí đánh giá, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư đối với lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
    – Dự thảo các quyết định Hướng dẫn tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư đối với một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị.

    1.2. Sự cần thiết của đề tài
    – Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là hình thức PPP) có sự tham gia đầu tư của khối tư nhân vào các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị (sau đây gọi tắt là HTKTĐT) đã áp dụng trên thế giới từ cuối những năm 1980 và đã thu được nhiều thành công. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, để dự án PPP thành công thì một trong nhưng vấn đề then chốt là xây dựng một khung pháp lý cần thiết đặc biệt là việc đưa ra được các tiêu chí và phương pháp lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư đối với hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và hệ thống HTKTĐT nói riêng. Trong những năm gần đây, một số tổ chức quốc tế và các nước như cộng đồng chung Châu Âu, Vương quốc Anh, Irenland, Ấn Độ, Trung Quốc,… đã có nhiều hoạt động nghiên cứu, tổng kết đánh giá thực tiễn về việc xác định các tiêu chí và phương pháp lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và lĩnh vực HTKTĐT nói riêng nhằm hướng tới mục đích lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt để thực hiện thành công các dự án.

    – Thời gian qua ở nước ta, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và các lĩnh vực HTKTĐT đô thị nói riêng đã diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư trong các dự án thường do các bên mời thầu đưa ra không thống nhất, chưa phù hợp với thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đưa ra được các yêu cầu phù hợp để đánh giá được hết các khía cạnh chủ yếu liên quan về kinh nghiệm, năng lực, các đề xuất giải pháp thực hiện dự án của nhà đầu tư. Điều đó dẫn đến các dự án đầu tư triển khai kém hiệu quả và một trong các nguyên nhân là các 1 nhà đầu tư được lựa chọn không có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thành công các dự án. Trên thực tế đến thời điểm hiện tại chưa có tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đầy đủ về vấn đề này.

    – Thời gian qua, cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã và đang từng bước hình thành, hoàn thiện. Cho tới thời điểm xác định và ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài này, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành của nước ta về đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP đã được ban hành, cụ thể như Luật Đầu tư năm 2005; Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là Nghị định số 108/2009/NĐ-CP); Nghị định số 24/2011/NĐCP ngày 05/4/2011 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP(sau đây gọi tắt là Nghị định số 24/2011/NĐ-CP); Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT ngày 24/01/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT) và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đặc biệt gần đây Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13(sau đây gọi tắt là Luật Đấu thầu 2013) có hiệu lực áp dụng từ 01/7/2014. Tiếp đó, Chính phủ ban hành 02 Nghị định hướng dẫn lĩnh vực PPP. Thứ nhất, Nghị định Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 có hiệu lực từ ngày 10/4/2015 (thay thế Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, Nghị định số 24/2011/NĐ-CP và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg) (sau đây gọi tắt là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP). Thứ hai, Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu Về lựa chọn nhà đầu tư số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015, có hiệu lực từ ngày 05/5/2015 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 30/2015/NĐ-CP).

    – Các văn bản này mới là khung pháp lý chung hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Đối với từng lĩnh vực cụ thể của HTKTĐT đòi hỏi phải có những hướng dẫn cụ thể, phù hợp với yêu cầu đặc thù của các lĩnh vực này. Chính từ lý do đó, tại các văn bản nêu trên đều có quy định các Bộ, ngành hướng dẫn về tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư trong phạm vi quản lý của ngành mình. Hệ thống văn bản này sẽ tạo khung pháp lý cần thiết và thúc đẩy phát triển hoạt động đầu tư theo hình thức PPP trong những thời gian tới. Tuy nhiên, tại các văn bản này còn thiếu nhiều quy định chi tiết có liên quan đến nội dung tiêu chí đánh giá, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư trong các lĩnh vực khác nhau của hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có bao gồm cả các lĩnh vực thuộc hệ thống HTKTĐT.

    – Những năm gần đây, Viện Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng đã tiến hành một số đề tài, dự án nghiên cứu về cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; các mẫu hợp đồng dự án khi lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP trong các lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả của quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP trong các lĩnh vực này thì việc đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu xác định các tiêu chí đánh giá và phương pháp lựa chọn nhà đầu tư là hết sức cần thiết và phát triển tiếp nối các hoạt động nghiên cứu đã tiến hành nêu trên. Vấn đề này cũng được kiến nghị trong các báo cáo kết quả thực hiện các đề tài, dự án của Viện.

    – Xuất phát từ các cơ sở nêu trên, việc đề xuất đề tài “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá và phương pháp lựa chọn nhà đầu tư đối với các lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt” là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước của ngành xây dựng và đáp ứng nhu cầu thực tiễn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án theo hình thức PPP.

    – Phạm vi của đề tài tập trung nghiên cứu đề xuất về xác định nội dung, yêu cầu các tiêu chí đánh giá về năng lực kinh nghiệm nhà đầu tư; đề xuất kỹ thuật; đề xuất tài chính – thương mại của nhà đầu tư đồng thời chỉ dẫn chi tiết các phương pháp đánh giá lựa chọn nhà đầu tư đối với 03 lĩnh vực là cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Mặt khác, về xác định nội dung các tiêu chí đánh giá, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP được nghiên cứu, đề xuất phù hợp với từng loại hợp đồng dự án. Luật Đấu thầu 2013 đã có quy định về các loại hợp đồng dự án theo hình thức PPP. Căn cứ vào đặc điểm lĩnh vực nghiên cứu quy định của Nghị định 108/CP, giới hạn nghiên cứu của đề tài là đối với loại hợp đồng: Hợp đồng Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT); Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO),…. Đây là sự đáp ứng các yêu cầu cần thiết được quy định tại hệ thống văn bản chung và thực tế hiện nay ở nước ta đối với 03 lĩnh vực được nghiên cứu.

    2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
    2.1. Đối tượng nghiên cứu
    – Hệ thống tiêu chí đánh giá, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

    2.2. Phạm vi nghiên cứu
      Căn cứ Hợp đồng số 15/HĐKHCN ngày 25/01/2013 được ký giữa Bộ Xây dựng và Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng về việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và môi trường đối với đề tài “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá và phương pháp lựa chọn nhà đầu tư đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị” (Mã số: RD 15 – 13) đã xác định phạm vi nghiên cứu của đề tài này bao gồm:
    – Nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm các nước về lựa chọn nhà đầu tư đối với lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị;
    – Đánh giá thực trạng về quy định pháp luật và áp dụng thực tế từ năm 2005 tới nay;
    – Đề xuất hướng dẫn của Bộ Xây dựng về xác định hệ thống tiêu chí đánh giá, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

    3. Địa chỉ áp dụng
    – Các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng HTKTĐT và các cơ quan khác có liên quan.
    – Tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động đầu tư xây dựng theo hình thức PPP trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

    4. Nội dung đề tài
    4.1. Phần thuyết minh
    Chương 1. Nghiên cứu cơ sở lý luận và áp dụng kinh nghiệm các nước về lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị theo hình thức PPP
    1.1. Một số cơ sở lý luận về xác định tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực HTKTĐT
    1.1.1. Quá trình phát triển, các yếu tố ảnh hưởng và hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP
    1.1.2. Vai trò của hệ thống HTKTĐT
    1.1.3. Đặc điểm quá trình hình thành và quản lý hệ thống HTKTĐT
    1.1.4. Một số đặc thù riêng của hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị
    1.1.5. Yêu cầu và đặc điểm khi lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực HTKTĐT
    1.1.6. Về mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá
    1.2. Vận dụng kinh nghiệm các nước về xác định tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư
    1.2.1. Kinh nghiệm từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và một số nước Châu Âu, Philippin
    1.2.2. Kinh nghiệm của một số nước khác về xác định tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư
    1.2.3. Tổng hợp kinh nghiệm vận dụng về xác định tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư
    1.3. Vận dụng kinh nghiệm các nước về phương pháp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP
    1.3.1. Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hình thức PPP
    1.3.2. Về phương pháp đánh giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP
    1.3.3. Tổng hợp kinh nghiệm vận dụng về phương pháp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP

    Chương 2. Đánh giá thực trạng áp dụng tiêu chí đánh giá và phương pháp lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị theo hình thức PPP
    2.1. Đánh giá thực trạng về áp dụng tiêu chí đánh giá để lựa chọn nhà đầu tư
    2.1.1. Về thực trạng áp dụng các tiêu chí đánh giá theo quy định hiện hành
    2.1.2. Thực trạng áp dụng tiêu chí đánh giá tại một số địa phương và các dự án cụ thể
    2.2. Thực trạng về áp dụng các phương pháp lựa chọn nhà đầu tư
    2.2.1. Về thực trạng áp dụng các phương pháp đánh giá theo quy định hiện hành
    2.2.2. Quy định về phương pháp lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư tái sinh/tái chế và xử lý chất thải rắn đô thị tại Tp. HCM
    2.3. Ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về xác định tiêu chí đánh giá và phương pháp lựa chọn nhà đầu tư lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị
    2.3.1. Một số vấn đề liên quan
    2.3.2. Các góp ý về nội dung tiêu chí đánh giá
    2.3.3. Các góp ý về phương pháp đánh giá lựa chọn nhà đầu tư
    2.3.4. Một số quy định đổi mới của văn bản pháp luật có liên quan

    Chương 3. Đề xuất hoàn thiện tiêu chí đánh giá, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị theo hình thức PPP
    3.1. Đề xuất hoàn thiện tiêu chí đánh giá nhà đầu tư lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị theo hình thức PPP
    3.1.1. Xác định tiêu chí đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà đầu tư
    3.1.2. Xác định tiêu chí đánh giá về kỹ thuật
    3.1.3. Xác định tiêu chí đánh giá về tài chính – thương mại
    3.2. Đề xuất hoàn thiện phương pháp lựa chọn nhà đầu tư lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị theo hình thức PPP
    3.2.1. Sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư
    3.2.2. Đánh giá về kỹ thuật
    3.2.3. Đánh giá về tài chính – thương mại
    3.3. Dự thảo các quyết định Hướng dẫn tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị
    3.3.1. Về việc điều chỉnh hình thức văn bản hướng dẫn
    3.3.2. Nội dung các dự thảo quyết định

    4.Phần phụ lục
    – Dự thảo các quyết định Hướng dẫn tiêu chí và phương pháp đánh giá lựa chọn nhà đầu tư lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

    5. Sản phẩm của đề tài
    – Báo cáo kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá và phương pháp lựa chọn nhà đầu tư đối với lĩnh vực HTKTĐT”.
    – Dự thảo các quyết định Hướng dẫn tiêu chí và phương pháp đánh giá lựa chọn nhà đầu tư lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

    6. Phương pháp nghiên cứu và biện pháp thực hiện
    – Sử dụng các phương pháp thu thập, nghiên cứu đề xuất kinh nghiệm áp dụng quy định của một số nước; thu thập dữ liệu, lấy ý kiến góp ý; phân tích, đánh giá chính sách và tình hình thực tế ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, tổng hợp và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện hành liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu.

    Bình luận