Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN CHỨC DANH CHUYÊN GIA TƯ VẤN TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG LÀM CƠ SỞ XÁC ĐỊNH VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ TƯ VẤN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP

    06/09/2019 - 03:14
    573
    0
    0

    1. Sự cần thiết nghiên cứu
    – Trong hoạt động xây dựng, tư vấn xây dựng là công việc rất quan trọng có vai trò quyết định đến kỹ, mỹ thuật của công trình. Để đảm đương được công việc này cần người (chuyên gia tư vấn) có đủ trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm và phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động trong từng lĩnh vực tư vấn xây dựng chuyên ngành. Tương ứng với đó, để xác định và quản lý chi phí tư vấn xây dựng cũng cần gắn chuyên gia tư vấn với các mức lương tương ứng. Tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXD ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước cũng đã mô tả một số yêu cầu đối với chuyên gia tư vấn làm cơ sở áp dụng mức lương như: yêu cầu về bằng cấp, số năm kinh nghiệm, kinh nghiệm đã đảm nhận công việc tư vấn tương tự trong quá khứ. Tuy vậy, các yêu cầu này khá đơn giản, chưa thể hiện hết được đặc điểm, yêu cầu của từng loại công việc tư vấn và chưa gắn với trình độ chuyên môn, chứng chỉ đào tạo của kỹ sư tư vấn. Theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, hình thức hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm (%) không còn được sử dụng khi ký hợp đồng. Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 Quy định chi tiết hợp đồng xây dựng do Chính phủ ban hành cũng quy định (khuyến khích) sử dụng hình thức giá hợp đồng theo thời gian đối với các gói thầu tư vấn trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có tiêu chuẩn chức danh chuyên gia đối với từng loại công tác tư vấn nên việc định lượng thời gian làm việc (khối lượng) của chuyên gia tư vấn gặp khó khăn.

    – Qua tham khảo kinh nghiệm của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh… cho thấy, tại các quốc gia này cũng đã công bố/phân cấp kỹ sư tư vấn. Như tại Tiêu chuẩn dự toán công tác thiết kế do Văn phòng Bộ Giao thông – Đất 7 đai Nhật Bản quy định vị trí giám đốc điều hành: là kỹ sư có năng lực bao quát chỉ đạo những nhiệm vụ có tính chuyên môn hoặc mức độ phức tạp cao do phương pháp thi công, phân tích đặc thù mà ít có tiền lệ; không chỉ hiểu biết về lĩnh vực kỹ thuật chuyên môn mà còn am tường nhiều lĩnh vực khác như xã hội, kinh tế, môi trường… đồng thời có năng lực chỉ đạo, bao quát công việc nhờ khả năng phán đoán tổng hợp; là kỹ sư có năng lực chỉ đạo, bao quát những nghiệp vụ phát triển mới của phương pháp thi công.

    – Với các lý do trên, cần có nghiên cứu để xây dựng tiêu chuẩn chức danh chuyên gia tư vấn trong hoạt động xây dựng làm cơ sở xác định chi phí tư vấn đáp ứng yêu cầu hội nhập.

    2. Mục tiêu nghiên cứu
    – Nghiên cứu cơ sở lý luận về chức danh chuyên gia tư vấn trong hoạt động xây dựng;
    – Nghiên cứu thực trạng chức danh chuyên gia tư vấn trong hoạt động xây dựng;
    – Nghiên cứu, lược khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong việc xác định chức danh chuyên gia tư vấn trong hoạt động xây dựng;
    – Từ kết quả nghiên cứu, đề xuất chức danh chuyên gia tư vấn trong hoạt động xây dựng.

    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    – Đối tượng nghiên cứu:
    + Các quy định hiện hành có liên quan đến tiêu chuẩn chức danh chuyên gia tư vấn trong hoạt động xây dựng;
    + Cách thức xác định chi phí tư vấn xây dựng.
    – Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu, đề xuất chức danh đối với các chuyên gia tư vấn gồm: Quản lý dự án, thiết kế xây dựng, giám sát thi công xây dựng và định giá xây dựng và đề xuất mức lương làm cơ sở xác định dự toán chi phí đối với các chức danh chuyên gia tư vấn này.

    4. Phương pháp nghiên cứu
    – Sử dụng phiếu điều tra, khảo sát và một số kênh thông tin chuyên môn để thu thập thông tin làm cơ sở thực hiện phân tích, đánh giá từ thực tế các nội dung theo mục tiêu nghiên cứu của dự án này.
    – Vận dụng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với nghiên cứu định lượng, phương pháp phân tích – tổng hợp và phương pháp hệ thống.

    5. Sản phẩm của đề tài
    – Báo cáo kết quả thực hiện đề tài;
    – Sổ tay tiêu chuẩn chức danh chuyên gia tư vấn.

    6. Kết cấu của đề tài
    Kết cấu của đề tài gồm 3 chương, tài liệu tham khảo và phụ lục, cụ thể như sau:
    MỞ ĐẦU
    1. Sự cần thiết nghiên cứu
    2. Mục tiêu nghiên cứu
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    4. Phương pháp nghiên cứu
    5. Sản phẩm của đề tài
    6. Kết cấu của đề tài
    CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ TIÊU CHUẨN CHỨC DANH CHUYÊN GIA TƯ VẤN TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
    1.1. Đặc điểm và tính chất của hoạt động tư vấn xây dựng
    1.2. Phân loại hoạt động tư vấn xây dựng, lĩnh vực tư vấn xây dựng
    1.3. Một số khái niệm và quy định có liên quan đến tiêu chuẩn chức danh chuyên gia tư vấn
    1.4. Nhiệm vụ, vai trò của một số công tác tư vấn trong hoạt động xây dựng
    1.5. Lược khảo về phân loại, mức tiền lương chuyên gia tư vấn và cách xác định chi phí tư vấn của một số nước trên thế giới
    1.6. Nhận xét rút ra từ chương 1

    CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN CHỨC DANH CHUYÊN GIA TƯ VẤN XÂY DỰNG, XÁC ĐỊNH VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ TƯ VẤN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
    2.1. Về quy định chức danh tư vấn trong chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
    2.2. Về quy định chức danh nghề nghiệp viên chức ngành xây dựng
    2.3. Về quy định trong quản lý và xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
    2.4. Khảo sát về chức danh và mức tiền lương chuyên gia tư vấn
    2.5. Nhận xét rút ra từ chương 2

    CHƯƠNG III: ĐỀ XUẤT TIÊU CHUẨN CHỨC DANH CHUYÊN GIA TƯ VẤN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LÀM CƠ SỞ XÁC ĐỊNH VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ TƯ VẤN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
    3.1. Quan điểm xây dựng tiêu chuẩn chức danh
    3.2. Phân loại chức danh chuyên gia tư vấn trong hoạt động xây dựng làm cơ sở xác định và quản lý chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
    3.3. Xác định mức lương đối với các chức danh chuyên gia tư vấn
    3.4. Nội dung tiêu chuẩn chức danh chuyên gia tư vấn trong hoạt động xây dựng làm cơ sở xác định và quản lý chi phí tư vấn

    KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
    1. Kết luận
    2. Kiến nghị
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    PHẦN PHỤ LỤC

    Bình luận