Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ BIẾN ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN LÀM CƠ SỞ NÂNG CAO CÔNG TÁC DỰ BÁO VÀ ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN Ở VIỆT NAM

    06/09/2019 - 03:11
    584
    0
    0

    1. Sự cần thiết
    – Thị trường bất động sản (BĐS) nước ta tuy mới được hình thành nhưng đã có những bước phát triển quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Sự phát triển của thị trường BĐS còn thúc đẩy các loại thị trường khác phát triển, như thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất, thị trường vốn,…qua đó nguồn lực đất đai được khai thác sử dụng ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, thị trường BĐS thời gian vừa qua cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém cần được khắc phục như: phát triển thiếu ổn định, khi thì “sốt nóng”, khi thì trầm lắng, thậm chí là “đóng băng” gây ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, tác động tiêu cực đến nền kinh tế; cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở mất cân đối, lệch pha cung – cầu nhất là tại các đô thị; việc đầu tư phát triển các sản phẩm bất động sản không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường, tình trạng đầu tư tự phát, theo phong trào vẫn còn khá phổ biến; giá cả hàng hóa bất động sản không ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và của từng địa phương; thị trường bất động sản còn thiếu sự minh bạch, tình trạng giao dịch ngầm, giao dịch ảo chưa được khắc phục triệt để.

    – Một trong những nguyên nhân tạo nên những bất cập trên đó là hệ thống thông tin, dự báo về thị trường bất động sản không thống nhất, thiếu tin cậy gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch của thị trường bất động sản. Trong khi đó, sự phát triển của thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản tại Việt Nam nói riêng chịu nhiều tác động từ các thị trường khác có liên quan, như: thị trường tài chính, thị trường vốn, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động,.. Mỗi thị trường này lại có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bất động sản với các mức độ khác nhau. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có một nghiên cứu đầy đủ về sự ảnh hưởng này để phục vụ cho công tác dự báo, điều hành và quản lý nhà nước; việc đề xuất các giải pháp trong quản lý, điều hành thị trường bất động sản cũng vì thế mà chưa có cơ sở vững chắc để đưa ra nhiều giải pháp cơ bản, toàn diện, lâu dài.

    – Xuất phát từ thực tế nêu trên, việc nghiên cứu, đánh giá mức độ ảnh hưởng của một số yếu tố cơ bản tác động đến sự biến động của thị trường bất động sản tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Đề tài sẽ thể hiện được mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tác động đến thị trường BĐS làm cơ sở cho hoạch định chính sách; giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản qua đó giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, vững chắc, bảo đảm hoạt động có hiệu quả và trở thành thị trường quan trọng, kết nối thông suốt với các thị trường khác của nền kinh tế.

    2. Mục tiêu đề tài
    – Xác định các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.
    – Nghiên cứu, đánh giá được mức độ ảnh hưởng của một số yếu tố cơ bản tác động đến sự biến động của thị trường bất động sản.
    – Đề xuất các giải pháp nâng cao công tác dự báo và điều hành, quản lý thị trường bất động sản ở Việt Nam trên cơ sở đánh giá sự ảnh hưởng của một số yếu tố tới sự biến động của thị trường BĐS nêu trên.

    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    – Đối tượng nghiên cứu: mức độ ảnh hưởng của một số yếu tố cơ bản tác động đến sự biến động của thị trường bất động sản
    – Phạm vi:
    + Về nội dung: nghiên cứu thực trạng và các yếu tố tác động đến thị trường bất động sản đồng thời đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến thị trường bất động sản trong đó tập trung vào thị trường nhà ở, đất ở do đây là loại hình bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường và là linh hồn của thị trường BĐS, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới an sinh xã hội, là đối tượng quan trọng mà cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu, theo dõi để điều tiết, quản lý.
    + Về không gian: tập trung vào 2 thành phố lớn có thị trường bất động sản phát triển là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

    4. Phương pháp nghiên cứu
    Đề tài sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp nghiên cứu là nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng cùng với phương pháp thống kê kết hợp với kinh nghiệm chuyên gia, phương pháp phân tích, tổng hợp và so sánh với quy trình như sau:
    – Nghiên cứu định tính: Nhóm nghiên cứu điều tra, thu thập, tổng hợp, thống kê, phân tích số liệu thống kê của thị trường bất động sản để xác định điều kiện của các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, bên cạnh đó kết hợp phương pháp chuyên gia để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến thị trường bất động sản.
    – Nghiên cứu định lượng: Nhóm nghiên cứu thực hiện điều tra đồng thời kết hợp xử lý, phân tích dữ liệu để lượng hóa mức độ ảnh hưởng của một số yếu tố đến thị trường bất động sản.

    5. Kết quả báo cáo đề tài được tổng hợp và trình bày với bố cục cụ thể như sau:
    Kết cấu của Báo cáo đề tài bao gồm: Phần mở đầu, ba chương, phần kết luận kiến nghị và các phụ lục, cụ thể:
    Phần mở đầu
    – Chương 1: Tổng quan về thị trường bất động sản
    – Chương 2: Thực trạng thị trường bất động sản tại Việt Nam
    – Chương 3: Đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố cơ bản tác động đến sự biến động của thị trường bất động sản và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao công tác dự báo và điều hành, quản lý thị trường bất động sản tại Việt Nam
    Kết luận, kiến nghị
    Tài liệu tham khảo
    Phụ lục

    Bình luận