Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: Nghiên cứu biên soạn sổ tay hướng dẫn lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng

    07/09/2020 - 02:51
    715
    0
    0

    1. MỤC TIÊU VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

    1.1. Mục tiêu của đề tài

              Giới thiệu và giúp cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu và các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu nắm bắt được kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn, những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.

    1.2. Sự cần thiết

    Lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Trong đó Luật Đấu thầu quy định những nội dung mang tính chất khung, những nội dung cụ thể, chi tiết mang tính đặc thù của hoạt động xây dựng thì thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng như điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức, điều kiện hành nghề đối với cá nhân, các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý an toàn, chất lượng công trình. Mặt khác, các quy định này trong Luật Xây dựng cũng cần được kết nối, hướng dẫn chi tiết thêm trong mối liên hệ với các quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thực tế, lĩnh vực nào có Sổ tay hướng dẫn thì các công việc được vận hành hiệu quả do các quy định pháp luật được thể hiện một cách khoa học, lôgic, cụ thể hóa, trực quan, ngắn gọn; qua đó những người làm công tác chuyên môn dễ áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật và tránh được sai sót. Theo quy định tại Khoản 12 Điều 129 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của mình hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định này (nếu cần thiết) nhưng đảm bảo không trái với các quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định này”. Vì vậy, rất cần những quy định bổ sung, chi tiết cho phù hợp với tính đặc thù của lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
    Xuất phát từ những phân tích nêu trên thì việc lựa chọn và thực hiện Đề tài “Nghiên cứu biên soạn Sổ tay hướng dẫn lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng” là rất cần thiết.

    2. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

    2.1. Đối tượng nghiên cứu

              Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quy định về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng của một số tổ chức quốc tế, pháp luật đấu thầu hiện hành và các quy định của pháp luật xây dựng liên quan đến lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; các khó khăn, vướng mắc trong thực tế liên quan đến lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.

    2.2. Phạm vi nghiên cứu

              – Phạm vi nghiên cứu của đề tài là quy định của một số tổ chức quốc tế về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; thực trạng cơ chế, chính sách, các khó khăn, vướng mắc trong thực tế liên quan đến lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam trong 5 năm gần đây.
              – Phạm vi nghiên cứu, đề xuất của đề tài là hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tế lựa chọn nhà thầu xây dựng trong nước và cung cấp một cái nhìn tổng quan về quá trình lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.

    3. ĐỊA CHỈ ÁP DỤNG

              Kết quả của đề tài sẽ là một luận cứ, tài liệu để cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tham khảo trong quá trình hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách trong hoạt động xây dựng. Mặt khác, kết quả của đề tài phục vụ cho các tổ chức, cá nhân tham khảo, vận dụng khi lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.

    4. NỘI DUNG ĐỀ TÀI

    A. PHẦN THUYẾT MINH

    Chương 1. Tổng quan và quy định của một số tổ chức quốc tế về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng
              1.1. Cơ sở lý luận về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
              1.2. Quy định về lựa chọn nhà thầu theo quy định của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).
              1.3. Quy định về lựa chọn nhà thầu theo quy định của Ngân hàng thế giới (Worldbank).
             Chương 2. Thực trạng cơ chế, chính sách liên quan đến lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
              2.1. Thực trạng quy định pháp luật về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng
              2.2. Quy định chung của pháp luật xây dựng về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng
              2.3. Quy định của pháp luật đấu thầu về tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu
              2.4. Kết quả khảo sát lấy ý kiến chuyên gia về một số nội dung liên quan đến lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng
              Chương 3. Đề xuất Sổ tay hướng dẫn lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng
              3.1. Quy trình lựa chọn nhà thầu và một số nội dung có liên quan
              3.2. Hình thức, phương thức lựa chọn, tiêu chí đánh giá, quy trình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thi công xây dựng
              3.3. Hình thức, phương thức lựa chọn, tiêu chí đánh giá, quy trình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị
              3.4. Hình thức, phương thức lựa chọn, tiêu chí đánh giá, quy trình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu tư vấn xây dựng
              3.5. Hình thức, phương thức lựa chọn, tiêu chí đánh giá, quy trình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu hỗn hợp
              3.6. Sơ đồ về quy trình lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng
    PHẦN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
    B. PHẦN PHỤ LỤC
              Phụ lục 01: Dự thảo Sổ tay hướng dẫn lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
              Phụ lục 02: Mẫu phiếu điều tra lấy ý kiến chuyên gia về thực trạng việc áp dụng quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
              Phụ lục 03: Các báo cáo thống kê, xử lý số liệu lấy ý kiến chuyên gia về thực trạng việc áp dụng quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.

    5. SẢN PHẨM CỦA ĐỀ TÀI

              – Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài
              – Dự thảo Sổ tay hướng dẫn lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.

    6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

              – Áp dụng các phương pháp điều tra lấy ý kiến chuyên gia; thu thập, phân tích tài liệu, các văn bản chính sách, các quy định về lựa chọn nhà thầu của một số tổ chức quốc tế quốc tế.
              – Áp dụng các phương pháp đánh giá tổng hợp, đánh giá kết quả thống kê, lấy ý kiến chuyên gia, suy luận biện chứng kết hợp với phân tích thực tế để đưa ra các đề xuất.

    Bình luận