Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: Nghiên cứu xây dựng hệ chỉ tiêu đánh giá về mặt định lượng hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị

    27/04/2022 - 02:12
    1133
    0
    0
    1. SỰ CẦN THIẾT NGHIÊN CỨU
    – Hệ thống giao thông là xương sống, là huyết mạch của cả hệ thống kinh tế, xã hội. Phát triển và đảm bảo hệ thống giao thông vận hành thông suốt là điều kiện tiên quyết, là tiền đề phát triển nền kinh tế, văn hóa, xã hội. Quyết định 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ quan điểm: Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Hiện tại, quá trình đô thị hóa ở nước ta đang ở mức rất nhanh so với khu vực và cao gấp đôi tốc độ tăng dân số cả nước [8]. Chính vì vậy, việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đô thị càng cần được quan tâm chú trọng.
    – Về khía cạnh kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống giao thông đô thị luôn có nhu cầu vốn đầu đầu tư rất lớn. Chỉ riêng cho địa bàn thành phố Hà Nội thì nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2015-2030 đã lên tới 918.224 tỷ đồng [10]. Cho địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013-2015 cần tới 28.958 tỷ đồng mỗi năm, tương đương với 5% GDP thành phố năm 2013 và giai đoạn tiếp theo 2016-2020 cần tới 115.357 tỷ đồng mỗi năm, tương đương với 11% GDP thành phố, với điều kiện thành phố duy trì mức tăng trưởng 10%/năm. Các thành phố tại các quốc gia có thu nhập trung bình đầu tư từ 3-6% GDP cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông [14].
    – Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký Công ước khí hậu (11/06/1992), phê chuẩn ngày 16/11/1994; ký Nghị định thư Kyoto (03/12/1998), phê chuẩn ngày 25/09/2002 và tham gia Hội nghị thượng đỉnh Biến đổi khí hậu COP 21 tại Paris – Pháp cũng như COP 23 tại Bonn – Đức. Những cam kết của Chính phủ trong việc đảm bảo ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đòi hỏi cần nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành trong đó có ngành xây dựng. Theo các nghiên cứu trên thế giới, các công trình xây dựng đóng góp tới 1/3 tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu, 40% tổng sử dụng năng lượng và 25% tổng tiêu thụ nước.
    – Về khía cạnh xã hội, mạng lưới giao thông đô thị hiện đang phải chịu nhiều áp lực khi các khu vực trung tâm tại các đô thị lớn thường xuyên bị tắc nghẽn do luồng di chuyển thường nhật và số phương tiện cá nhân ngày càng tăng. Theo ước tính của chuyên gia, ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh gây lãng phí 1,2 tỷ USD mỗi năm [14]. Để đảm bảo an toàn cho các công trình giao thông đô thị trong quá trình vận hành khai thác, nhiều hoạt động sửa chữa, bảo trì sẽ cần được thực hiện dẫn tới năng lực phục vụ giảm xuống và gây tác động tiêu cực lên việc ùn tắc giao thông.
    – Có thể thấy đầu tư xây dựng các công trình giao thông đô thị có ảnh hưởng lớn tới kinh tế, môi trường và xã hội. Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020 là cơ sở pháp luật cho quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Việc thực thi Luật đã góp phần hạn chế tính chủ quan, duy ý chí trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư và đầu tư dự án, góp phần ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí của các dự án đầu tư công1 diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng như dự án được đầu tư khi chưa thực sự cần thiết phải đầu tư; dự án được đầu tư với quy mô, công suất không phù hợp so với nhu cầu; dự án được đầu tư với yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật không phù hợp so với nhu cầu; dự án được đầu tư ở địa điểm và thời điểm không hợp lý; thiết bị và công trình của dự án có chất lượng thấp làm giảm tuổi thọ của dự án; tiến độ dự án bị kéo dài; một số chi phí chung, chi phí khác, chi phí thiết bị, lao động và vật tư cao hơn thực tế; một số khoản chi phí trong dự án được chi chưa tiết kiệm.
    – Phương pháp lựa chọn dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đô thị (cầu đường bộ)2 được thực hiện theo Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn quy định3. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều dự án đầu tư công trong các lĩnh vực khác, việc đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội các dự án đầu tư công vẫn còn mang tính định tính và chưa đưa ra cơ sở để quyết định lựa chọn dự án dựa trên việc đo lường tính hiệu quả kinh tế xã hội.
    – Theo một kết quả khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB)4, khi thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông (chủ yếu là giao thông đô thị (cầu đường bộ)), các cơ quan quản lý nhà nước mới chỉ tập trung thẩm định sự phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về việc lập báo cáo chủ trương, tính hợp lý và khả thi của dự án mà chưa chú trọng đến thẩm định lợi ích kinh tế xã hội của dự án với các thông số kỹ thuật có thể đo lường được để làm căn cứ lựa chọn dự án đầu tư, ví dụ như xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế5, chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí, chưa dự báo lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến trong tương lai.
    – Một trong những nguyên nhân quan trọng là do phương pháp lựa chọn dự án chưa lựa chọn được những dự án có hiệu quả tối ưu do các tiêu chí hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường của dự án đầu tư xây dựng vẫn còn mang tính chất liệt kê và định tính. Ngoài ra, việc đánh giá dự án đầu tư xây dựng có tính chất lâu dài như công trình giao thông đô thị thường không được thực hiện cho toàn bộ quá trình vận hành, sử dụng công trình nên không đưa ra được một cái nhìn tổng thể về công trình.
    – Xuất phát từ yêu cầu thiết thực nêu trên, việc nghiên cứu phương pháp xác định hệ chỉ tiêu đánh giá về mặt định lượng hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị như đề xuất là cần thiết. Đề tài sẽ đưa ra những luận chứng khoa học và kiến nghị phương pháp nhằm lựa chọn được những dự án có hiệu quả tối ưu.
    2. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
    2.1. Mục tiêu nghiên cứu
    Mục tiêu tổng quát:
    Đề xuất hệ chỉ tiêu về mặt định lượng hiệu quả kinh tế – xã hội làm cơ sở hoàn thiện phương pháp đánh giá lựa chọn các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị.
    Mục tiêu cụ thể:
    – Tổng quan khung lý thiết về phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội dự án đầu tư xây dựng, phương pháp lựa chọn dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đô thị.
    – Đề xuất hệ chỉ tiêu về mặt định lượng hiệu quả kinh tế – xã hội.
    – Kiến nghị giải pháp thực hiện có hiệu quả phương pháp lựa chọn dự án đầu tư công xây dựng công trình giao thông đô thị
    2.2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    – Đối tượng nghiên cứu của đề tài là phương pháp lựa chọn dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đô thị, các chỉ tiêu định lượng hiệu quả kinh tế – xã hội.
    – Đề tài có phạm vi nghiên cứu là phương pháp lựa chọn dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đô thị, tập trung vào công trình cầu đường bộ trên phạm vi cả nước.
    3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    3.1. Cách tiếp cần nghiên cứu của đề tài
    – Đề tài nghiên cứu phương pháp lựa chọn dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đô thị (cầu đường bộ).
    – Đề tài sẽ chọn cách tiếp cận nghiên cứu hệ thống, xem xét, đánh giá so sánh phương pháp lựa chọn dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đô thị (cầu đường bộ) trong mối tương quan với các quốc gia khác nhất là hệ thống quản lý của các nước phát triển nhằm tìm ra khoảng cách chính sách của Việt Nam và các thông lệ tốt quốc tế.
    – Đề tài cũng tập trung phân tích điều kiện áp dụng, những hạn chế, cản trở xảy ra trong quá trình thực thi ở các nước để từ đó đưa ra những khuyến nghị có thể áp dụng có hiệu lực tại Việt Nam. Nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trong nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng tại Việt Nam.
    3.2. Phương pháp nghiên cứu
    Để làm rõ những nội dung cơ bản đã đặt ra của đề tài, trong quá trình nghiên cứu sử dụng một số phương pháp sau:
    – Phương pháp phân tích, tổng hợp: đề tài phân tích và hệ thống hoá, khái quát hóa những vấn đề chung về phương pháp lựa chọn dự án đầu tư công lĩnh vực giao thông đô thị (cầu đường bộ). Phân tích đánh giá một cách hệ thống thể chế chính sách về quản lý đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đô thị (cầu đường bộ), so sánh với các thông lệ quốc tế tốt, tập trung vào phương pháp trong lựa chọn dự án đầu tư công trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
    – Phương pháp thống kê, so sánh: đề tài thống kê, so sánh, đối chiếu số liệu đánh giá của các chính phủ và tổ chức quốc tế (Anh, Pháp, Úc, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng đầu tư châu Âu, Ngân hàng phát triển châu Á, v.v.) về yêu cầu áp dụng phương pháp khoa học, khách quan để lựa chọn dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đô thị (cầu đường bộ) hiệu quả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực khan hiếm.
    – Phương pháp nghiên cứu trường hợp.
    4. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI
    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Kiến nghị, báo cáo kết quả thực hiện đề tài gồm những nội dung chính sau đây:
    Chương 1: Cơ sở lý luận về phương pháp lựa chọn dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (cầu đường bộ); Chương 2: Thực trạng đánh giá lựa chọn dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (cầu đường bộ) ở Việt Nam; Chương 3: Đề xuất hệ chỉ tiêu đánh giá về mặt định lượng hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (cầu đường bộ).
    Bình luận