1. Sự cần thiết nghiên cứu đề tài
– Theo số liệu tổng hợp từ Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2010 đến năm 2020, trung bình hàng năm Việt Nam đã dành khoảng 10,3% – 11% GDP cho đầu tư xây dựng mới các công trình. Tuy nhiên, lượng vốn đầu tư xây dựng (ĐTXD) nói trên chỉ được sử dụng ĐTXD công trình đến khi kết thúc xây dựng để bàn giao đưa công trình vào vận hành, khai thác mà chưa tính đến quá trình vận hành của công trình trong suốt vòng đời khai thác của công trình.
– Đối với công trình đã đưa vào vận hành, khai thác thì công tác bảo trì đóng vai trò quyết định đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của ĐTXD ban đầu. Theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng ( sau đây gọi tắt là bảo trì) thì “Bảo trì công trình xây dựng là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác sử dụng”. Hiện nay, hệ thống quy định pháp luật về ĐTXD đã cơ bản hoàn thiện đảm bảo tính đầy đủ và chặt chẽ từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư đưa dự án vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực bảo trì công trình xây dựng, hệ thống quy định pháp luật vẫn còn một số hạn chế về tính pháp lý, sự khuyết thiếu về quy định, còn chồng chéo giữa các quy định,… Trong đó, phải kể đến nội dung về xác định và quản lý nhà nước (QLNN) đối với chi phí thực hiện bảo trì. Những hạn chế này có nguyên nhân khách quan do đặc thù của công tác bảo trì CTXD khác biệt hoàn toàn với ĐTXD mới công trình. Trong công tác bảo trì công trình thì các chủ thể tham gia không phải là người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hay nhà thầu xây dựng tham gia trong quá trình ĐTXD mà là chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình,.. Hay như nguồn vốn sử dụng để bảo trì công trình (BTCT) không phải là nguồn vốn được sử dụng để ĐTXD công trình ban đầu mà rất đa dạng theo chức năng khai thác CTXD hay chủ thể sở hữu, người quản lý sử dụng công trình,…
– Thực tế cho thấy hiện nay các quy định về xác định và quản lý chi phí bảo trì thuộc các loại hình CTXD thuộc các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành như Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BNN&PTNT), Bộ Công thương (BCT), Bộ Thông tin và truyền thông, (BTT&TT)… có những quy định và hướng dẫn rất khác nhau xuất phát từ công năng sử dụng của công trình hoặc nguồn vốn sử dụng để khai thác, vận hành công trình.
– Chính phủ Việt Nam xác định nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của công trình trong khai thác, sử dụng là một trong những nội dung chủ yếu để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội của công trình trong khai thác, sử dụng với mục tiêu tiết kiệm chi phí, kéo dài thời hạn khai thác, vận hành các CTXD thì việc “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế hình thành, xác định và quản lý chi phí công trình xây dựng” là hết sức cần thiết đối với công tác QLNN về ĐTXD sử dụng vốn đầu tư công ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
2. Mục đích và mục tiêu nghiên cứu của đề tài
2.1. Mục đích nghiên cứu
Đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện cơ chế hình thành nguồn vốn sử dụng bảo trì CTXD và phương pháp xác định, quy định quản lý của nhà nước đối với chi phí bảo trì CTXD trong thời gian tới.
2.2. Mục tiêu nghiên cứu
– Hệ thống hoá cơ sở lý luận về bảo trì và chi phí bảo trì CTXD;
– Tổng hợp, hệ thống hoá các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác bảo trì CTXD tại Việt Nam hiện nay.
– Tổng kết, đánh giá thực trạng về cơ chế hình thành vốn sử dụng bảo trì ; hệ thống quy định pháp luật trực tiếp và liên quan đến xác định và quản lý chi phí bảo trì CTXD.
– Đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện cơ chế hình thành vốn sử dụng bảo trì và phương pháp xác định, quy định quản lý nhà nước đối với chi phí bảo trì công trình xây dựng trong thời gian tới
3. Đối tượng nghiên cứu của đề tài
– Hệ thống quy định pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo trì CTXD; cơ chế hình thành và quản lý vốn đầu tư công được sử dụng để bảo trì CTXD;
– Phương pháp xác định chi phí bảo trì CTXD và cơ chế QLNN đối với xác định chi phí bảo trì CTXD.
4. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
a. Phạm vi về nội dung
– Do mục đích của đề tài là hoàn thiện cơ chế QLNN nên nội dung nghiên cứu tập trung về các quy định có tính pháp lý đối với vốn bảo trì CTXD có nguồn gốc từ vốn đầu tư công và vốn nhà nước ngoài đầu tư công, phương pháp xác định và QLNN đối với bảo trì CTXD,
– Nghiên cứu về cơ chế hình thành vốn, phương pháp xác định và quản lý nhà nước đối với bảo trì CTXD. Tập trung đối với loại hình CTXD dân dụng, công trình giao thông và CTXD nông nghiệp và phát triển nông thôn, là những loại công trình có tỷ trọng sử dụng vốn lớn về BTCT trong tổng nguồn vốn hàng năm.
– Đề tài nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm nước ngoài về xác định và quản lý chi phí đối với bảo trì công trình xây dựng.
b. Phạm vi về không gian và thời gian
– Không gian: nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc.
– Thời gian: tổng hợp số liệu, tài liệu trong giai đoạn năm 2015 đến 2021.
5. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng 4 phương pháp nghiên cứu cơ bản sau đây:
– Phương pháp điều tra khảo sát: sử dụng mẫu phiếu điều tra, thu thập thông tin, ý kiến đánh giá của các đối tượng là chủ thể, cá nhân liên quan đến đối tượng nghiên cứu làm cơ sở đánh giá toàn diện đối với nội dung nghiên cứu của đề tài. Các mẫu phiếu khảo sát được tập trung vào các đối tượng liên quan trực tiếp và gián tiếp cơ chế hình thành vốn, phương pháp xác định và quản lý chi phí bảo trì CTXD;
– Phương pháp thống kê: tổng hợp các số liệu, thông tin phục vụ cho quá trình phân tích, đánh giá các nội dung nghiên cứu. Đề tài sử dụng phương pháp thống kê nhằm xây dựng cơ sở cho việc phân tích định lượng về số liệu làm cơ sở đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế hình thành vốn, phương pháp xác định và quản lý chi phí bảo trì CTXD;
– Phương pháp phân tích tổng hợp: khai thác thông tin thứ cấp liên quan đến cơ chế hình thành vốn, phương pháp xác định và quản lý chi phí bảo trì CTXD để tổng kết về cơ sở lý luận, thực tiễn của việc đề xuất các giải pháp. Phương pháp phân tích tổng hợp, sử dụng phiếu khảo sát để đánh giá thực trạng cơ chế hình thành vốn, phương pháp xác định và quản lý chi phí bảo trì CTXD;
– Phương pháp kế thừa: tham khảo, kế thừa sử dụng những kết quả đã được nghiên cứu trước đây có liên quan đến nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài để bổ sung vào luận điểm, vận dụng trong đề tài.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
a. Ý nghĩa khoa học
Đề tài góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở lý luận khoa học về chi phí bảo trì CTXD sử dụng vốn đầu tư công tại Việt Nam.
b. Ý nghĩa thực tiễn
– Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện cơ chế hình thành vốn sử dụng bảo trì và phương pháp xác định, quy định quản lý nhà nước đối với chi phí bảo trì CTXD trong thời gian tới tại Việt Nam, làm cơ sở hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng và bảo trì CTXD, hướng tới đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nói chung và nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công.
– Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể là tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị đại diện Nhà nước trong sử dụng và quản lý chi phí BTCT xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy, học tập tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành quản lý xây dựng.
7. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần Mở đầu, đề tài được bố cục như sau:
- Chương 1: Tổng quan về bảo trì công trình xây dựng và cơ sở lý luận về cơ chế hình thành, xác định và quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng.
- Chương 2: Thực trạng về bảo trì và chi phí bảo trì công trình xây dựng tại Việt Nam
- Chương 3: Giải pháp hoàn thiện cơ chế hình thành, xác định và quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng.
- Kết luận và Kiến nghị
- Tài liệu tham khảo
- Phụ lục