Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG THỰC HIỆN THEO MÔ HÌNH TỔNG THẦU EPC

    27/04/2022 - 02:05
    719
    0
    0

    1. Sự cần thiết phải hoàn thiện cơ chế quản lý dự án theo mô hình tổng thầu EPC

    – Mô hình tổ chức thực hiện dự án theo hình thức tổng thầu thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công công trình (EPC) là phương thức quản lý tiên tiến, hiện đại đem lại hiệu quả khi áp dụng trong quá trình đầu tư xây dựng công trình. Mô hình này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả hơn so với mô hình tổ chức thực hiện dự án truyền thống. Những năm vừa qua ở nước ta, mô hình tổng thầu thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công công trình (EPC) đã được ứng dụng trong quá trình tổ chức thực hiện một số dự án. Qua theo dõi cho thấy một số dự án đã thành công khi áp dụng mô hình này nhưng phần lớn các dự án khi áp dụng mô hình tổng thầu EPC đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc gây ra nhiều hệ lụy. Hiện tượng phổ biến là tiến độ dự án kéo dài, chi phí hợp đồng phát sinh tăng, không thanh quyết toán được hợp đồng, không hoàn thành dự án. Cá biệt, một số dự án do áp dụng mô hình tổng thầu EPC đã dẫn đến các vụ án kinh tế, gây nhức nhối trong quản lý kinh tế, xã hội. Nguyên nhân của sự không thành công khi áp dụng mô hình tổng thầu EPC ở nhiều dự án thì có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cốt lõi là do khung khổ pháp lý để triển khai thực hiện mô hình tổng thầu EPC còn nhiều bất cập: thiếu các quy định liên quan đến điều kiện để dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC; Lựa chọn tổng thầu EPC ở giai đoạn nào; Theo hồ sơ thiết kế nào; Giá gói thầu ra sao; Năng lực của nhà thầu EPC như thế nào; Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng; hồ sơ mời thầu EPC; quản lý trình tự thương thảo hợp đồng EPC; mô hình quản lý dự án; quản lý chất lượng; thanh toán, quyết toán hợp đồng EPC; quản lý các điều chỉnh đối với dự án thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC…

    – Để phát huy các thế mạnh của mô hình tổng thầu EPC ở nước ta như đã thành công trên thế giới thì việc tổ chức nghiên cứu dựa trên cơ sở các luận cứ về lý luận, về thực tiễn và về pháp lý để đề xuất hoàn thiện khung khổ pháp lý có liên quan đến việc áp dụng mô hình tổng thầu EPC là đòi hỏi cấp thiết. Do việc, việc triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC” là hết sức cần thiết phục vụ nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp luật của Bộ Xây dựng.

    2. Mục tiêu, phạm vi, đối tượng, phương pháp nghiên cứu

    2.1. Mục tiêu của đề tài

    Mục tiêu thực hiện đề tài là nhằm khắc phục những bất cập do chưa có đủ quy định, chế tài trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và nâng cao hiệu quả quản lý theo mô hình này.

    2.2. Phạm vi nghiên cứu

              Đề tài tập trung phân tích, đánh giá các cơ chế chính sách có liên quan đến mô hình tổng thầu EPC và dựa trên kết quả đánh giá thực trạng triển khai các dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC để đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý dự án đầu tư theo mô hình tổng thầu EPC. Đề tài tổ chức nghiên cứu các vấn đề có liên quan trong giai đoạn 2010-2020.

    2.3. Đối tượng nghiên cứu

              Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các văn bản quy định pháp luật điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, thực tiễn triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC.

    2.4. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng kết hợp các phương pháp như phân tích, so sánh, tổng hợp kết hợp phương pháp sử dụng ý kiến đánh giá của các chuyên gia, tổ chức có liên quan.

    3. Địa chỉ áp dụng

    Kết quả nghiên cứu đề tài phục vụ nhiệm vụ xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC

    4. Nội dung báo cáo kết quả thực hiện đề tài

              Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục có liên quan, báo cáo kết quả thực hiện đề tài gồm có 03 chương và 02 Phụ lục kèm theo; cụ thể:
    – Chương 1. Tổng quan về quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC.
    – Chương 2. Thực trạng quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC.
    – Chương 3. Đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC.
    – Phụ lục 01. Báo cáo gửi Bộ trưởng về việc đề xuất hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư xây dựng theo mô hình tổng thầu EPC.
    – Phụ lục 02. Danh mục một số dự án được khảo sát, thu thập thông tin làm cơ sở đánh giá thực trạng áp dụng mô hình tổng thầu EPC tại Việt Nam.

    5. Sản phẩm của đề tài

              – Báo cáo kết quả thực hiện đề tài.
              – Báo cáo đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo mô hình tổng thầu EPC.

    Bình luận