Trích Bài phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Khoảng cách giữa Nghị định 99/2007/NĐ-CP và thông lệ quốc tế” của TS. Dương Văn Cận - Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng.
Ngày 13/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2007/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Sau 2 năm thực hiện Nghị định này, chúng tôi đã tổng kết, đánh giá những mặt được, mặt chưa được, chưa đi vào cuộc sống. Tổng kết này đã được báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Hiện nay, Viện chúng tôi đang được Bộ Xây dựng giao cho sửa đổi Nghị định này. Dự thảo đã được Thứ trưởng Trần Văn Sơn ký công văn gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, các đơn vị có liên quan.
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, chúng tôi cho rằng việc thực hiện Nghị định này còn nhiều tồn tại cần phải được nghiên cứu tiếp:
Một là, Hạn chế ở nhận thức đổi mới cơ chế. Nhiều chủ đầu tư, nhiều cơ quan quản lý nhà nước có tâm lý không muốn đổi mới do sợ trách nhiệm khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan pháp luật. Sau khi Bộ Xây dựng ban hành các thông tư hướng dẫn, yêu cầu các địa phương tổ chức hướng dẫn cụ thể, nhiều địa phương hàng nửa năm sau mới thực hiện hướng dẫn. Những nội dung thuộc trách nhiệm của địa phương hướng dẫn thì chủ yếu là nhắc lại như hướng dẫn của Nhà nước.
Hai là, Trong các văn băn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước còn nhiều chồng chéo hoặc quy định chung chung, hiểu thế nào cũng được. Cùng một vấn đề (Ví dụ: Hợp đồng xây dựng), nhưng có nhiều văn bản hướng dẫn, mỗi văn bản hướng dẫn một cách làm cho người thực hiện bị lúng túng, dẫn đến tâm lý: cứ thực hiện theo văn bản của cơ quan nào soạn thảo mạnh hơn cho yên tâm, nếu có thanh tra, kiểm tra cũng sẽ "an toàn" nhất.
Ba là, Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, do nhiều văn bản không rõ ràng, nên khi thực hiện, những cán bộ thuộc chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thanh toán vẫn thực thi theo cơ chế cũ, chưa theo kịp tinh thần đổi mới. Ví dụ: thực hiện Hợp đồng trọn gói, nhưng khi thanh toán, kiểm tra vẫn bắt xuất trình chứng từ hóa đơn mua bán vật liệu. Khối lượng công việc do nhà thầu thực hiện nếu thấp hơn khối lượng trong hợp đồng thì tính theo khối lượng thực tế, còn khi khối lượng công việc cao hơn trong hợp đồng thì lầy theo khối lượng ghi trong hợp đồng... Như vậy, thiệt thòi thuộc về nhà thầu v.v...
Như vậy Nghị định 99/CP đã đổi mới căn bản về cơ chế quản lý chi phí mà ai cũng phải thừa nhận. Nhưng nó lại rất chậm được thực hiện có hiệu quả vào cuộc sống. Chủ đầu tư muốn làm nhưng lại sợ thanh tra, kiểm tra nên chỉ mong thực hiện theo cơ chế cũ; Tâm lý mong muốn, mọi thứ đều do Nhà nước ban hành cho "an toàn" khi có thanh tra, kiểm tra đang khá phổ biến của các chủ đầu tư kể cả của phần nhiều những người quyết định đầu tư. Tôi cho rằng đây là cốt lõi của "khoảng cách" giữa Nghị định 99/CP và cơ chế theo thông lệ quốc tế.
Một số kiến nghị:
1. Cần phải rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, xóa bỏ những chồng chéo không đáng có. Một vấn đề thì chỉ nên quy định ở một văn bản để có tính thống nhất cao.
2. Quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng (đã được quy định trong 1 chương của Nghị định mới thay thế Nghị định 99/CP).
3. Xây dựng một đề án về đào tạo có sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực quản lý chi phí của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng bao gồm: chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu và kể cả cho các cán bộ, công chức nhà nước làm công tác quản lý chi phí.
4. Thiết lập một hệ thống dữ liệu phục vụ xã hội của các cơ quan nhà nước, của tổ chức tư vấn. Chuyển đổi một số cơ chế, chuyển việc công bố của Nhà nước sang cho các tổ chức tư vấn, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Thực hiện được điều đó chính là chúng ta đã rút ngắn được khoảng cách giữa Nghị định 99/CP và cơ chế quản lý theo thị trường của thông lệ quốc tế.